0263 3880 313

Phòng bệnh Sốt xuất huyết ở trẻ em

Phòng bệnh Sốt xuất huyết ở trẻ em

Đăng bởi admin 18/08/2022

    Phòng bnh St xut huyết tr em

    Bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa.Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến là trẻ em.hiện tại chưa có thuốc đặc trị sốt xuất huyết, nên việc phòng bệnh là hết sức quan trọng.

    Mùa mưa kéo dài là điều kiện thuận lợi để bệnh sốt xuất huyết bùng phát.Với trẻ em sức đề kháng yếu dễ bị mắc bệnh, khi mắc có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

    I.Triệu chứng:

    Bệnh sốt xuất huyết Dengue ở trẻ em, có biểu hiện đa dạng và phức tạp, diễn biến nhanh từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

    Giai đoạn sốt trẻ em thường là sốt cao đột ngột, liên tục, trẻ nhỏ thí bứt rứt, quấy khóc, trẻ lớn hơn thì than nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, da sung huyết, đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt; nghiệm pháp dây thắt dương tính, thường có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam. Giai đoạn nguy hiểm thường rơi vào ngày thứ 3 – 7 của bệnh.

    Biểu hiện trẻ có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt, có thể có các biểu hiện như: thoát huyết tương có thể dẫn đến , với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt, hiệu số huyết áp tối đa và tối thiểu ≤ 20 mmHg, tụt huyết áp hoặc không đo được huyết áp, tiểu ít; xuất huyết dưới da, các nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn hoặc mảng bầm tím; xuất huyết ở niêm mạc như: chảy máu mũi, lợi, tiểu ra máu.

    Đến giai đoạn phục hồi, sau giai đoạn nguy hiểm 48 – 72 giờ, trẻ hết sốt, toàn trạng tốt lên, thèm ăn, huyết áp ổn định và tiểu nhiều; xét nghiệm máu số lượng bạch cầu máu thường tăng lên sớm sau giai đoạn hạ sốt, số lượng tiểu cầu dần trở về bình thường, nhưng muộn hơn so với số lượng bạch cầu.

    II.Một số biến chứng sốt xuất huyết nguy hiểm ở trẻ em

    Trẻ em mắc sốt xuất huyết dễ gặp phải một số biến chứng nặng như:

    1.Mất máu:

    Sốt xuất huyết ở giai đoạn nặng sẽ xuất hiện triệu chứng xuất huyết như: chảy máu cam, chảy máu chân răng, chảy qua vết thương hở. Điều này do vi rút sốt xuất huyết làm tăng tính thấm thành mạch, thoát huyết tương và khó lưu thông máu. Đến một ngưỡng nhất định sẽ gây sốc, khiến máu bị đẩy ra ngoài kèm theo các biểu hiện bứt rứt, li bì, ớn lạnh, tụt huyết áp,…

    2.Tràn dịch màng phổi:

    Khi huyết tương trong cơ thể bị tràn ra sẽ xâm nhập vào đường hô hấp, dẫn đến tràn dịch màng phổi, viêm phổi hoặc phù phổi cấp.Nếu không nhanh chóng cấp cứu ngay, có thể đe dọa đến tính mạng.

    3.Hôn mê:

    Đây là biến chứng nặng nhất của bệnh sốt xuất huyết.Khi cơ thể bị xuất huyết, dịch huyết tương có thể ứ đọng ở màng não qua các thành mạch.Lâu dần, gây phù não dẫn đến hôn mê.

    III. Cách xử trí đối với trẻ mắc sốt xuất huyết:

              Tránh tuyệt đối không dùng Aspirin để hạ sốt, vì tác dụng phụ của thuốc có thể gây xuất huyết sớm và nặng hơn.Không cạo gió.Đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế ngay nếu trong quá trình theo dõi trẻ có một trong các dấu hiệu: sốt quá cao, xuất huyết lan rộng, chảy máu cam, chảy máu chân răng; tay – chân lạnh, trẻ đang tỉnh táo bỗng trở nên lừ đừ, có khi vật vã, đau bụng dữ dội, da trẻ đổi màu. Do bệnh sốt xuất huyết Dengue ở trẻ em có biểu hiện đa dạng và phức tạp, diễn biến nhanh từ nhẹ đến nặng, nên bậc cha mẹ cần quan tâm để phát hiện bệnh sớm đưa đến cơ sở y tế để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời tránh chủ quan, nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

    IV.Phòng bệnh:

    Để phòng tránh bệnh và các biến chứng của bệnh ở trẻ em, Cục y tế dự phòng – Bộ y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện một số nội dung sau:

    Cho trẻ mặc quần áo dài tay, ngủ mùng cả ban đêm lẫn ban ngày, không để trẻ nơi thiếu ánh sáng, ẩm thấp để tránh muỗi đốt, thoa thuốc chống muỗi lên những vùng da lộ ra ngoài để bảo vệ trẻ mọi lúc, cả ngày lẫn đêm.

    Đậy kín các lu, hủ, bể chứa nước, không tạo điều kiện cho muỗi phát triển. Dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch thoáng, không treo quần áo làm chỗ cho muối trú đậu, thay nước bình bông mỗi ngày, đổ dầu hôi hoặc pha nhiều muối vào chén nước chống kiến chân tủ thức ăn để triệt nơi sinh sản của muỗi.

    Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại…) để diệt lăng quăng/bọ gậy.

    Thau rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần.

    Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…, dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

    Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.

    Có thể dùng thuốc diệt muỗi hoặc nhang trừ muỗi; khi vào mùa mưa cần xịt thuốc chống, xua đuổi muỗi, nhất là đối với trẻ em, người có tiền sử dị ứng nặng.

    Tránh tuyệt đối không dùng Aspirin để hạ sốt

    V.Phòng chống muỗi đốt:

    Mặc quần áo dài tay.Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày.Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi…Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.

    Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

    VI.Cách xử trí khi trẻ bị bệnh::

    Đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.Cho trẻ bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho những trẻ  khác.

    Trẻ phải được uống nước đầy đủ, cho trẻ uống một cách chậm rãi vì việc uống quá nhanh dễ dẫn đến nôn trớ, đầy bụng.

    Cho trẻ ăn các món ăn mềm dễ tiêu hóa và giàu dinh dưỡng như cháo, súp. Đặc biệt, không cho các bé ăn quá no.

    Tuyệt đối không sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ, nhất là đối với trẻ nhỏ.

    Sốt xuất huyết Dengue là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virút Dengue gây nên bệnh lây theo đường máu. Trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes aegypti. Bệnh có biểu hiện lâm sàng chủ yếu là sốt cấp diễn và xuất huyết với nhiều dạng khác nhau, nhưng thể nặng có sốc do giảm khối lượng máu lưu hành, điều trị không kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Hiện tại chưa có thuốc đặc trị, nên phòng bệnh là giải pháp tốt nhất.

    Tin gần đây