0263 3880 313

Ngày viêm gan thế giới

Ngày viêm gan thế giới

Đăng bởi admin 27/07/2022

    Ngày Viêm gan Thế giới 28/7/2022

    BỆNH VIÊM GAN SIÊU VI B

    Viêm gan B là một trong các bệnh về gan nguy hiểm và được coi là “sát thủ thầm lặng” bởi bệnh ít triệu chứng nhưng để lại nhiều hệ lụy cho cơ thể, thậm chí tử vong và hiện chưa có cách điều trị khỏi hoàn toàn. Bệnh do siêu vi viêm gan B (HBV- Hepatitis B virus) gây ra. Hiện viêm gan đang nguyên nhân gây tử vong cao thứ hai sau lao, và số lượng người mắc viêm gan lớn hơn 9 lần so với virus HIV. Viêm gan có thể phòng ngừa và điều trị, tuy nhiên hơn 80% bệnh nhân mắc viêm gan không được tiếp cận với các liệu pháp dự phòng, phát hiện, theo dõi và điều trị.

    Theo đánh giá của các chuyên gia từ Văn phòng quốc gia WHO tại Việt Nam, bệnh viêm gan B và C đã gây nên những gánh nặng bệnh tật đáng kể cho người dân Việt Nam.

    Văn phòng quốc gia WHO tại Việt Nam khuyến cáo tất cả trẻ sơ sinh cần được tiêm một liều vaccine viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi sinh và ba liều bổ sung lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi theo lịch tiêm chủng. Những liều vaccine này làm giảm đáng kể nguy cơ phát triển bệnh viêm gan mãn tính trong cuộc đời của trẻ về sau.

    1.Đường lây truyền::

    Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bệnh viêm gan B là do gan bị virus viêm gan B tấn công. Virus viêm gan B xâm nhập vào cơ thể qua 3 con đường:

    Lây truyền qua đường máu: qua các dụng cụ dính máu của người bệnh lây sang máu người lành như dụng cụ y tế không khử trùng tốt, châm cứu, xỏ tai, dùng chung bơm kim tiêm, dao cạo râu, bàn chải đánh rang, bấm móng tay… Virus HBV sống rất dai, thậm chí có thể tồn tại trong máu khô nhiều ngày nên nếu không tự bảo vệ bản thân thì khả năng nhiễm viêm gan B là rất cao.  

    Lây truyền từ mẹ sang con: Nếu người mẹ nhiễm virus HBV thì nguy cơ truyền bệnh cho con rất cao. Cụ thể, trong 3 tháng đầu của thai kì, tỷ lây nhiểm chỉ khoảng 1%. Người mẹ bị nhiễm ở 3 tháng giữa thì sẽ tăng lên 10% và sẽ lên đến 60 – 70% khả năng lây nhiễm nếu như mẹ mắc bệnh ở 3 tháng cuối cùng. Nguy cơ lây từ mẹ sang con sẽ ở mức cao nhất là 90% nếu sau khi sinh không có bất cứ biện pháp nào bảo vệ cho trẻ.

    Lây truyền qua đường tình dục: Việc quan hệ tình dùng không an toàn, không có biện pháp bảo vệ như dùng bao cao su cũng sẽ bị lây nhiễm từ người mang bệnh.

    Viêm gan B không lây truyền qua hô hấp (hơi thở, hắt hơi…), tiêu hóa (ăn uống) và tiếp xúc bình thường

     2.Triệu chứng:

    Bệnh viêm gan B có rất ít triệu chứng, đặc biệt viêm gan B giai đoạn đầu triệu chứng rất mơ hồ, dễ nhầm với bệnh khác, người bệnh thường tình cờ phát hiện ra khi kiểm tra sức khỏe hoặc đi hiến máu.

    Ở thể lành mang virus hoặc thể ngủ yên thường không có triệu chứng. Vì thế, việc nhận biết các dấu hiệu của bệnh là rất quan trọng để tránh bỏ qua giai đoạn vàng điều trị và quan trọng hơn không để bệnh chuyển sang giai đoạn nặng. Dưới đây là một số triệu chứng viêm gan B thường gặp:

    Cơ thể mệt mỏi: Bệnh nhân viêm gan B thường thấy mệt mỏi không rõ nguyên nhân, có nhiều người tự nhiên mệt như hết cả hơi sức … Đây là triệu chứng khá thường gặp của người mắc viêm gan B.

    Sốt báo: Có nhiều người khi mới bị nhiễm virus viêm gan B thường có hiện tượng sốt nhẹ. Người nhiễm virus viêm gan B bị sốt là do khi virus tấn công làm tổn thương gan, khiến gan không thải hết được chất độc và chất độc bên trong dồn vào máu làm cơ thể bị sốt.

    Rối loạn tiêu hóa: Những người  bệnh viêm gan B thường gặp triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đầy bụng, buồn nôn, táo bón, một số người thấy bụng trướng….

    Vàng da triệu chứng báo hiệu viêm gan B: Vàng da là một trong những triệu chứng rõ ràng nhất của viêm gan B. Tuy nhiên khi bị vàng da tức là bệnh gan đã ở mức nghiêm trọng, cần đi khám ngay. Vì vậy, nếu bạn thấy vàng da bất thường, cần nghĩ tới trường hợp mình bị viêm gan B và đi khám ngay nhé.

    Xuất huyết dưới da: Khi thấy có triệu chứng da xuất hiện ban xuất huyết hoặc chấm ứ máu hoặc mũi xuất huyết cần đi khám sức khỏe ngay bởi đây là một trong những triệu chứng biểu hiện mắc viêm gan B khá nặng.

    3.Những nguy hại của Viêm gan siêu vi B:

    Virus viêm gan siêu vi B sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ tiếp tục nhân đôi trong tế bào gan, kích thích tạo ra những phản ứng làm tổn thương tại cơ quan này.

              Virus viêm gan siêu vi B còn nguy hiểm ở chỗ nó có thể tồn tại rất lâu trong cơ thể mà không bị phát hiện.

              Các biểu hiện sau khi nhiễm bệnh cũng không rõ ràng, khó nhận biết, hoặc nếu có thì cũng làm người ta dễ nhầm lẫn sang các bệnh khác.

     Một số triệu chứng hay gặp ở những người mắc bệnh viêm gan siêu vi B có thể kể đến như tình trạng cơ thể mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa

    4.Phòng bệnh:

    Do viêm gan siêu vi B là một loại bệnh có tỉ lệ tử vong cao với những diễn tiến phức tạp do các triệu chứng âm thầm, đến khi phát tác, bệnh đã rất khó điều trị. Vì vậy, phòng bệnh là biện pháp hữu hiệu để đảm bảo sức khỏe cho chính bạn và những người thân trong gia đình. Sau đây là các phương pháp phòng ngừa siêu vi viêm gan b hiệu quả:

    Tiêm phòng vacxin viêm gan B là biện pháp phòng bệnh an toàn và hiệu quả. Nên tiêm vaccine chủng ngừa viêm gan siêu vi B  càng sớm càng tốt để phòng tránh bệnh viêm gan B.

    5.Phòng lây truyền viêm gan siêu vi B từ mẹ sang con

     Bệnh viêm gan siêu vi B có thể lây truyền từ mẹ sang con trong quá trình mang thai và sinh nở. Vì vậy, để phòng tránh lây nhiễm cho con, trong quá trình mang thai, người mẹ cần đi khám và làm xét nghiệm sàng lọc vi rút viêm gan B.

    Với trẻ sơ sinh có mẹ không bị viêm gan B tốt nhất là tiêm vacxin trong vòng 24 giờ sau khi sinh. Với trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm viêm gan B, ngoài một mũi vaccin ngừa viêm gan B thông thường, bé cần được tiêm 2 mũi kháng thể (huyết thanh) ngay trong vòng 2 giờ đầu sau sinh để trung hòa kháng nguyên lây truyền từ mẹ qua.

    Nhằm phòng tránh lây lan trong cộng đồng thì việc kiểm soát đường lây nhiễm vẫn giữ vai trò rất quan trọng trong phòng bệnh khi chung sống trong gia đình với người nhiễm virus viêm gan B . Cụ thể, không dùng chung bơm, kim tiêm và các vật dụng cá nhân như bàn chải răng, dao cạo, đồ cắt móng tay…, sử dụng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục.

    Người nhiễm vi-rút viêm gan B không được cho máu, không để người khác tiếp xúc với máu của mình.

    Nhân ngày Thế giới phòng chống viêm gan 28-7 năm nay. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phát đi thông điệp: “Đầu tư để loại bỏ bệnh viêm gan” và khuyến cáo người dân toàn cầu cần nhận biết rõ nguy cơ lây nhiễm viêm gan virus của bản thân và cộng đồng.

    Đây cũng  là dịp để nêu rõ cảnh báo viêm gan virus là bệnh nguy hiểm, biến chứng có thể gây nên ung thư gan, xơ gan, nhưng lại chưa được cộng đồng xã hội quan tâm vì bệnh diễn biến âm thầm, không như HIV/AIDS và một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác. 

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

    Tin gần đây